máy pha cafe

Trang chủ / Tin tức Thích nghi và sống sót qua mùa dịch với Food Reviewer

Thích nghi và sống sót qua mùa dịch với Food Reviewer

 Không thể phủ nhận rằng nghề Food Reviewer hiện nay đang là xu hướng và được xem là một trong những công việc hấp dẫn nhất với giới trẻ. Độ phủ sóng của họ “không thể đùa” được và được hàng loạt thương hiệu F&B “chọn mặt gửi vàng”. Với đặc thù công việc phải di chuyển “bốn phương tám hướng” nên khi buộc lòng “bó chân” tại nhà vì dịch COVID-19, các Food Reviewer đã thích nghi thế nào để chống chọi với dịch bệnh và duy trì công việc của mình?

1. Food Reviewer – Công cụ “độc quyền” của ngành F&B

1.1. Nghề ăn thử giùm thiên hạ

Nói về Food Reviewer mọi người thường gắn liền với cụm từ như “nghề ăn thử giùm thiên hạ”, “nghề được ăn được nói”. Họ “chinh phục thiên hạ” bằng cái thứ không-thể-làm-ngơ đó là: Đồ ăn! Các Food Reviewer chủ yếu hoạt động trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, Youtube, TikTok,… bằng những tấm ảnh đẹp, video sinh động cảm nhận về món ăn. Nếu theo dõi những Food Reviewer này bạn sẽ có lời giải cho tất tần tật những câu hỏi như “Ăn món gì ngon?”, “Ăn ở đâu?”, “Quán nào hot?”… Mỗi ngày có hàng trăm, hàng nghìn cửa hàng “mọc” lên và rồi lại đóng cửa, mỗi quán có một phong cách ẩm thực khác nhau. Vậy bạn có dám chắc mình biết hết tất cả? Hoặc nếu biết bạn có muốn thử một trải nghiệm mới hay quay trở lại quán quen?

Food Reviewer hiện nay đang là xu hướng và được xem là một trong những công việc hấp dẫn nhất với giới trẻ.

Đó là lý do mà nghề “ăn thử, kiếm tiền thật” Food reviewer ra đời. Họ có thể là những chuyên gia ẩm thực, KOLs hay những người làm việc về lĩnh vực ẩm thực. Đây là một công việc đòi hỏi tính nghệ thuật, say mê, khả năng sáng tạo cao và cảm nhận về sản phẩm một cách khách quan nhất.

Bằng việc mời họ trải nghiệm ăn uống miễn phí và cung cấp trải nghiệm độc đáo, họ sẽ đưa ra những đánh giá tích cực cho nhà hàng trên các mạng xã hội của họ, các diễn đàn, cộng đồng liên quan đến lĩnh vực F&B. Một lời kêu gọi, một lời ủng hộ từ Food Reviewer về hương vị, không gian, dịch vụ nhà hàng có thể tác động đến hành vi tiêu dùng gấp nhiều lần so với việc quảng cáo đơn thuần. Qua một bài viết, một đoạn clip ngắn giới thiệu, đánh giá tốt về chất lượng nhà hàng sẽ được lan tỏa rộng rãi và tiếp cận đúng khách hàng mục tiêu của quán mà bạn không cần làm gì nhiều. Các “thượng đế” được kích thích trí tò mò và sẵn sàng xách xe ngay đi trải nghiệm thử ngay cả khi chưa cảm thấy đói.

1.2. Người tiêu dùng đặt lòng tin vào những “chuyên gia ẩm thực”

Nếu như các thương hiệu thường tiếp cận và gây dựng lòng tin với khách hàng thông qua việc đầu tư vào quảng cáo. Thế nhưng, một cách đơn giản, dễ dàng hơn rất nhiều là hợp tác cùng Food Reviewer. Bản chất của họ xuất phát điểm cũng là những người tiêu dùng bình thường và có xu hướng chia sẻ trên mạng xã hội cho mọi người thấy.

Họ xây dựng thương hiệu cá nhân thông qua nền tảng mạng xã hội, tạo niềm tin với cộng đồng người theo dõi bằng chính các video, bài post review của mình. Bởi vậy, họ đóng vai trò vừa là khách hàng và cũng là một “chuyên gia ẩm thực”. Chính vì thế, review của họ sẽ tạo ra sự tin tưởng lớn hơn cho người mua hàng so với việc thương hiệu tự quảng cáo về mình. Điều này thúc đẩy hành vi mua hàng mạnh mẽ hơn, mang về doanh thu nhanh hơn cho các thương hiệu. Ngày nay, khi việc chạy quảng cáo được cân nhắc và tối ưu hơn thì tiền dành cho những Food Reviewer đem lại hiệu quả rất cao mà không quá tốn kém. Đây cũng là chiêu thức được các thương hiệu ưa chuộng.

Những review của Food Reviewer tạo ra sự tin tưởng lớn hơn cho người mua hàng so với việc thương hiệu tự quảng cáo về mình

Khi sử dụng hình thức quảng cáo này, ưu tiên hàng đầu là lựa chọn Food Reviewer phù hợp. Thông thường, Food Reviewer <100k Follower sẽ phù hợp với những nhà hàng có quy mô lớn hoặc có mô hình kinh doanh theo chuỗi. Nếu bạn đang kinh doanh mô hình nhà hàng vừa và nhỏ thì có thể hợp tác với những Food Reviewer <10k Follower để tiết kiệm chi phí.

Mỗi Food Reviewer đều có một lượng Fan nhất định và thuộc những phân khúc khách hàng khác nhau. Bởi vậy, hãy cẩn thận tìm hiểu kỹ để lựa chọn Food Reviewer phù hợp với hình ảnh nhà hàng của bạn. Chẳng hạn, với định vị thương hiệu nhà hàng cao cấp, chuyên phục vụ những món ăn sang trọng thì việc mời một Food Reviewer chuyên review hàng quán vỉa hè, hướng tới đối tượng khách hàng ở phân khúc bình dân sẽ có thể gây nhầm lẫn cho thực khách, thậm chí còn làm tổn hại đến thương hiệu của bạn.

2. Food Reviewer “sống sót” qua mùa dịch như thế nào?

2.1. Đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu

Đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ tới ngành F&B khi hàng loạt nhà hàng, quán ăn buộc phải đóng cửa trong giai đoạn giãn cách xã hội. Điều này tạo nên sự thay đổi lớn trong thói quen của người tiêu dùng, họ ở nhà tự nấu ăn thay vì đi ăn ngoài hàng quán, họ quan tâm tới những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng và quan tâm tới sức khỏe nhiều hơn,…

Sự nổi lên của hàng loạt cộng đồng chia sẻ kiến thức nấu ăn, chăm sóc gia đình, với số lượng thành viên không ngừng tăng trên mạng xã hội như hội “Yêu bếp nghiện nhà”, “Yêu bếp”,… cũng cho thấy sự chuyển hướng quan tâm của người tiêu dùng. Những đề tài hàng ngày, tưởng chừng tầm thường trong căn bếp bỗng chốc trở thành tâm điểm.

Nếu như trước đây các Food Reviewer đều check-in đằng Đông, review đằng Tây, khám phá đủ loại mỹ vị nhân gian thì trong thời điểm dịch bệnh, khi các cửa hàng đồng loạt đóng cửa, các Food Reviewer cũng không khỏi… chưng hửng. Để bắt nhịp cùng thời thế, các Food Reviewer cần thay đổi để không bị lỗi thời và bắt kịp thói quen của người tiêu dùng, bởi đây chắc chắn không phải xu hướng nhất thời mà sẽ còn kéo dài trong tương lai.

Các Food Reviewer cần thay đổi để không bị lỗi thời và bắt kịp thói quen của người tiêu dùng trong mùa dịch

Vì các quán ăn, nhà hàng đều đóng cửa và ngưng phục vụ tại quán, nên các Food Reviewer đã chuyển hướng sang sản xuất và đăng tải nội dung gần gũi với đời sống hơn như review đồ ăn tại gia, “muốn ăn thì lăn vào bếp”, các mini game thử thách nấu ăn,… để phù hợp với sự quan tâm của người tiêu dùng đối với thực phẩm lạnh mạnh và ăn uống tại nhà.

Đây là thời điểm đòi hỏi các nhà hàng khi hợp tác với Food Reviewer phải tập trung vào việc xây dựng nội dung có giá trị, đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu. Thể hiện sự quan tâm của thương hiệu đến người dùng, từ đó giúp nâng cao hình ảnh nhà hàng.

2.2. Nuôi dưỡng tệp khách hàng trung thành

Do ảnh hưởng của việc ở nhà quá lâu, người tiêu dùng có xu hướng cảm thấy nhớ hương vị của những món đồ ăn, đồ uống đã quá lâu không được thưởng thức. Bởi vậy, họ sẽ cố gắng mò mẫm và chế biến những món ăn mà trước đây chưa từng thử làm để thỏa nỗi nhớ nhung.

Các thương hiệu cần tận dụng khoảng thời gian này để nuôi dưỡng tệp khách hàng trung thành và có tiềm năng.

Trước tâm lý đó, các thương hiệu cần thấu hiểu và len lỏi vào từng ngôi nhà, từng căn bếp, luôn bên cạnh khách hàng bằng cách truyền tải những nội dung như công thức nấu nướng, pha chế đồ uống, các món ăn đơn giản của quán,… Hay những nội dung về cách duy trì sức khỏe an toàn trong mùa dịch cũng là một gợi ý không tồi. Thay vì “đóng băng” mọi hoạt động khiến khách hàng lãng quên thì thương hiệu có thể hợp tác cùng các Food Reviewer, tận dụng khoảng thời gian này để nuôi dưỡng tệp khách hàng trung thành và có tiềm năng. Duy trì mối quan hệ với khách hàng sẽ tạo ra sự gợi nhớ thương hiệu, từ đó nâng cao giá trị của thương hiệu. Khi tình hình dịch bệnh ổn định, quán xá được mở cửa trở lại, chắc chắn khách hàng sẽ không ngần ngại mà đến quán của bạn để trải nghiệm ăn uống.

Đại dịch COVID-19 đã tác động không nhỏ tới hành vi của người tiêu dùng. Bởi vậy các doanh nghiệp F&B cũng cần thay đổi theo, linh động trong việc sử dụng các Food Reviewer và sáng tạo nội dung phù hợp với khách hàng trong thời điểm này. Đây là bàn đạp cần thiết giúp các doanh nghiệp vực dậy sau dịch bệnh.

nguồn: sưu tầm

>>>P/s: Các bạn cần mua Full thiết bị pha chế cho quán Cà phê mời bạn xem trực tiếp tại https://lamaca.vn/  – trên 90% thiết bị có sẵn tại Showroom

Nhận xét đánh giá