máy pha cafe

Trang chủ / Tin tức Ra quán cà phê muốn học tiếng gì cũng có

Ra quán cà phê muốn học tiếng gì cũng có

 Học ngoại ngữ tại quán cà phêMan Tấn Phát (thứ ba từ trái sang) trao đổi cùng người nước ngoài tại Saigon Blabla Language Exchange - Ảnh: Bình Minh
Man Tấn Phát (22 tuổi) đã tranh thủ gặp được 4 người nước ngoài trong buổi đến quán cà phê Bon (Q.1, TP.HCM) hôm nay. Không chỉ nói chuyện bằng tiếng Anh, Phát còn luyện thêm kỹ năng giao tiếp tiếng Nhật.
"Trong thời kỳ hội nhập, chúng tôi ý thức rất rõ tầm quan trọng của ngoại ngữ. Ngoài học nói, chúng tôi còn học thêm văn hóa của các nước bạn, thêm tự tin và trau dồi kinh nghiệm khi giao tiếp với bạn bè quốc tế", Phát nói.
Ở một góc khác, hai chị em Nguyễn Lê Vân Anh (14 tuổi) và Nguyễn Lê Anh Nhật (12 tuổi) cũng đang say sưa trò chuyện với các anh chị sinh viên về những sở thích ăn uống, xem phim. Dù nhỏ tuổi, Vân Anh đã sớm xác định mục tiêu du học Mỹ nên quyết tâm rèn luyện ngoại ngữ.
Khoảng 30 bạn trẻ khác cũng đang ngồi kín các bàn, mỗi bàn đặt một lá cờ tượng trưng cho một ngôn ngữ. Có 10 ngôn ngữ có thể lựa chọn gồm tiếng Hoa, Nhật, Hàn, Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nga và tiếng Việt.
Chỉ việc ngồi vào bàn và bắt đầu trò chuyện bất tận với những người có cùng đam mê. Không bảng đen phấn trắng, không thầy giáo, không bài tập.
học ngoại ngữ tại quán cà phê
Thành viên Saigon BLE tại khu vực dành cho người học tiếng Nhật - Ảnh: Bình Minh
Giao tiếp để kết nối
Đó là cách vận hành của một cộng đồng có tên BlaBla Language Exchange (BLE). Mỗi tuần một buổi, họ tập trung ở một quán cà phê để thực hành giao tiếp đủ các chủ đề. Không gian cởi mở, thân thiện giúp xóa bỏ những rào cản mà nhiều bạn thường gặp khi học ngoại ngữ như sợ phát âm sai, thiếu vốn từ vựng.
BLE do giáo viên người Pháp tên Florian Ziegler sáng lập tháng 2-2016 tại Hà Nội, với 30 bạn trẻ đam mê học tiếng Pháp. Dần dà, BLE mở rộng ra nhiều ngôn ngữ khác như Anh, Đức, Hoa... và thu hút cả người nước ngoài tham gia.
BLE tiếp tục được thành lập tại TP.HCM và sau đó là Đà Nẵng và Zurich (Thụy Sĩ), và lan rộng ra nhiều quốc gia khác. Ở mỗi nơi, cộng đồng này lại “nhập gia tùy tục” với những cái tên tương ứng như Vienna BLE (Áo), Jakarta BLE (Indonesia), Moscow BLE (Nga)...
Theo thầy Florian, ngoài mục đích giao tiếp, cộng đồng này còn là nơi kết nối người nước ngoài và người bản xứ, giúp họ chia sẻ những trải nghiệm về văn hóa và đời sống. Tại mỗi quốc gia, anh cũng chọn những bạn trẻ năng động, đam mê học ngoại ngữ vào vai trò quản trị nhóm.
Học ngoại ngữ tại quán cà phê
Thành viên Saigon BLE tại khu vực dành cho người học tiếng Tây Ban Nha - Ảnh: Bình Minh
Không đánh giá hay xét nét
Tú Anh (24 tuổi), thành viên ban quản trị Saigon BLE, cho biết mỗi buổi sinh hoạt có thể có đến 150-170 người tham gia. Bốn ngôn ngữ được nhiều bạn quan tâm nhất là Anh, Hoa, Pháp và Đức.
V.Thịnh (24 tuổi) chia sẻ lý do đến với Saigon BLE là tâm lý thoải mái nhờ không gian mở, người tham gia cầu thị, không đánh giá hay xét nét mà thay vào đó giúp nhau học tập. 
Vốn đam mê ngoại ngữ từ nhỏ, Nguyễn Hoài Tố Như (22 tuổi) từ lâu đã chủ động tìm người nước ngoài để trò chuyện, học từ họ cách phát âm của người bản xứ, từ vựng, tiếng lóng. 
"Người nước ngoài ở cộng đồng này rất thân thiện. Họ sẵn sàng sửa lỗi phát âm cho chúng tôi. Mỗi buổi tôi học được khoảng 10-20 từ mới và luyện dần cách phát âm theo giọng Mỹ chuẩn", Tố Như nói.
Barry James, giáo viên người Anh đang sinh sống và làm việc tại TP.HCM, lại tìm đến Saigon BLE để học tiếng Việt. Theo ông, không chỉ tiếng Việt hay tiếng Anh mà việc học ngôn ngữ nói chung đều cần rèn luyện thường xuyên, mà cụ thể là giao tiếp với người bản địa để quen dần cách phát âm và sử dụng câu chữ.
học ngoại ngữ tại quán cà phê
Thành viên Saigon BLE tại khu vực dành cho người học tiếng Pháp - Ảnh: Bình Minh
Nguồn: Báo Tuổi Trẻ 
Nhận xét đánh giá